Chào mừng bạn đến với Website NGHIÊN CỨU BÀO CHẾ THUỐC
Rất nhiều ưu đãi và chương trình khuyến mãi đang chờ đợi bạn
Ưu đãi lớn dành cho thành viên mới
  • 5
  • Giỏ hàng

    Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

KỸ THUẬT BÀO CHẾ THUỐC NHỎ MẮT

27/09/2022
Admin
[tintuc]






1.      Tính chất lý hóa, tính ổn định của hoạt chất.

1.1. Cloramphenicol.

Tinh thể không màu, vị rất đắng.

Ít tan trong nước lạnh, tan nhiều hơn trong nước nóng, tan trong cồn, propylenglycol (1:7).

Bền vững trong dung dịch hơi acid hoặc trung tính, dễ bị thủy phân trong môi trường kiềm tạo acid dicloacetic và 2-amino 1-paranitrophenil, 1-3 propandiol làm thuốc mất tác dụng.

Ở dạng thuốc nhỏ mắt, cloramphenicol được dùng để trị nhiễm trùng các vi khuẩn nhạy cảm.

1.2. Kẽm sulfat (ZnSO4.7H2O):

Bột kết tinh trắng hoặc tinh thể hình lăng trụ trong suốt không màu, không mùi, vị chat sít lưỡi, dễ  lên hoa khi để ngoài không khí khô.

Rất dễ tan trong nước, dễ tan trong glycerin, thực tế không tan trong EtOH 96%.

Trong môi trường kiềm chóng hỏng vì tạo tủa keo, nhưng bền hơn ở môi trường acid.

Dung dịch 0,1-0,5% có tác dụng sát trùng.

2.  Ảnh hưởng của pH đến độ ổn định của hoạt chất và sự dung nạp của mắt. Đề nghị pH cho 2 công thức thuốc nhỏ mắt.

2.1. Ảnh hưởng của pH đến độ ổn định của hoạt chất và sự dung nạp của mắt.

pH của mỗi thuốc nhỏ mắt có một trị số tương đối cố định, giá trị pH phải đáp ứng 2 yêu cầu:

- Phải có pH phù hợp với nước mắt, không gây kích ứng mắt.

- Giúp hoạt chất hòa tan ổn định trong dung môi, giữ được hoạt tính và dễ hấp thu.

2.1.1. Sự dung nạp của mắt.

pH của nước mắt thay đổi từ 6,3-8,6, trung bình khoảng 7,4. Khi tiếp xúc với không khí, CO2 trong hệ đệm NaHCO3/H2CO3 của nước mắt thoát ra làm pH tăng khoảng 9,0.

Trong nước mắt có acid carbonic, các acid hữa cơ yếu, protein … nhờ vậy có khả năng đệm để trung hòa nhanh các dung dịch đưa vào mắt có pH từ 3,5-10,5 với lượng thật nhỏ khoảng 1-2 giọt.

Khi mắt tiếp xúc với một dung dịch quá acid hoặc quá kiềm, mắt sẽ bị kích ứng.

Một số Dược điển qui định pha chế thuốc nhỏ mắt nên có pH từ 6,4-7,8. Để đảm bảo được yêu cầu này, phải dùng các dung dịch đệm.

2.1.2. Độ ổn định của hoạt chất.

Nhiều hoạt chất có pH ổn định tối ưu không phải luôn ở vùng pH phù hợp với nước mắt. Vì vậy nên pha chế thuốc nhỏ mắt ở pH thích hợp để vừa giúp hoạt chất có độ ổn định cao vừa đảm bảo việc hấp thu thuốc vào các tổ chức mắt.

Cloramphenicol bền vững trong dung dịch hơi acid hoặc trung tính.

Kẽm sulfat ổn định ở pH 4,5-5,5.

2.2. Đề nghị pH và giải thích.

2.2.1. Thuốc nhỏ mắt cloramphencol 0,4%

Đề nghị: pH 6,8

Giải thích: giá trị pH này đảm bảo tính ổn định của hoạt chất và thích hợp với pH của nước mắt.

2.2.2. Thuốc nhỏ mắt kẽm sulfat 0,5%

Đề nghị: pH 5,0-6,5 (pH tối ưu 6,3).

Giải thích: kẽm sulfat bền ở môi trường acid, trong môi trường kiềm hoặc trung tính Zn2+ có nguy cơ bị tủa và nếu chọn pH acid, hiệu quả chống sự phát triển của vi sinh vật tốt hơn, thuốc ổn định hơn về mặt vi sinh.

3.  Lựa chọn và pha chế các dung dịch đệm.

3.1. Thuốc nhỏ mắt cloramphencol 0,4%

3.1.1. Lựa chọn dung đệm.

Dùng hệ đệm Palitzsch (acid boric-borax) gồm 2 dung dịch: Natri Borat và acid boric (có thể thêm chất đẳng trương hóa như NaCl).

Khi phối hợp 2 dung dịch trên với tỉ lệ khác nhau sẽ có các dung dịch đệm với các giá trị pH từ 6,8-8,0 (thích hợp với pH nước mắt).

3.1.2. Cách pha chế.

 Pha 2 dung dịch sau:

- Dung dịch 1: Borax 0,05M

+ Natri borat, 10H2O                    19,108 g

+ Nước cất            vđ                    1000 ml

- Dung dịch 2: Acid boric 0,2M

+Acid boric                                   12,404 g

+ Nước cất            vđ                    1000 ml

Hệ đệm được pha theo bảng sau:

Bảng 1. pH và lượng NaCl cần để đẳng trương 100ml hệ đệm.

Dung dịch 1 (ml)

Dung dịch 2 (ml)

NaCl (g/100ml)

pH

3

97

0,22

6,8

20

80

0,24

7,8

25

75

0,24

8,0

 

3.2. Thuốc nhỏ mắt kẽm sulfat 0,5%

3.2.1. Lựa chọn dung đệm

Hệ đệm acid boric-borax có tính chất làm ổn định pH của dung dịch, nhưng do pH của nó khá cao nên không sử dụng cho dung dịch kẽm sulfat được (vì sẽ tạo tủa).

Có thể dùng dung dịch acid boric để tạo môi trường hơi acid (pH 5,0-6,5), giúp hoạt chất ổn định.

3.2.2. Cách pha chế.

Pha dung dịch acid boric như trên.

4.  Yêu cầu, lựa chọn và tính toán chất đẳng trương.

4.1. Yêu cầu về độ đẳng trương.

Nước mắt đẳng trương với dung dịch NaCl nồng độ 0,9%, có độ hạ băng điểm: ∆t = - 0,52 oC đến  ∆t = - 0,56 oC.

Mắt bình thường có thể chịu đựng được dung dịch NaCl từ 0,5-1,8%.

Nếu thuốc nhỏ mắt không đẳng trương sẽ làm kích ứng mắt, nước mắt tiết nhiều và đẩy thuốc ra ngoài.

Đa số các hoạt chất dùng trong các thuốc nhỏ mắt thường ở nồng độ thấp và thường nhược trương so với nước mắt.

Dung dịch cloramphenicol 0,4% và dung dịch kẽm sulfat 0,5% đều là dung dịch nhược trương.

Vì vậy, việc đẳng trương hóa 2 dung dịch thuốc nhỏ mắt trên là cần thiết.

Độ hạ băng điểm:

- Natri clorit 1% có ∆t = - 0,58 oC

- Acid boric 1% có ∆t = - 0,288 oC

- Cloramphenicol 1% có ∆t = - 0,06 oC

- Kẽm sulfat 1% có ∆t = - 0,09 oC

Dược điển Pháp yêu cầu pha chế thuốc nhỏ mắt có ∆t = - 0,56 oC

4.2. Lựa chọn và tính toán chất đẳng trương.

4.2.1. Lựa chọn chất đẳng trương.

Yêu cầu của chất đẳng trương hóa:

- Không tương kỵ với các thành phần trong công thức.

- Không có tác dụng dược lý riêng.

- Không gây kích ứng mắt.

- Chất đẳng trương hóa thông dụng là natri clorid (NaCl): rất tan trong nước, dễ kiếm, rẻ, là thành phần của nước mắt ….

Dung dịch cloramphenicol 0,4% dùng NaCl làm chất đẳng trương hóa.

Dung dịch kẽm sulfat 0,5% dùng acid boric làm chất đẳng trương hóa (hạn chế dùng NaCl vì tạo ZnCl2 gây kích ứng mắt).

4.2.2. Tính toán chất đẳng trương.

Công thức của LUMIERE-CHEVROTIER:

x = (0,52-[∆t1])/[ ∆t2]

x: số lượng gam (g) chất đẳng trương hóa cần cho vào 100ml dung dịch nhược trương.

∆t1: độ hạ băng điểm của dung dịch nhược trương.

∆t2: độ hạ băng điểm của dung dịch 1% của chất dùng để đẳng trương hóa.

• Dung dịch cloramphenicol 0,4% chất đẳng trương hóa là Natri clorid.

Theo bảng 1., lượng NaCl cần dung để đẳng trương hóa 100ml hệ đệm Palitzsch là: 0,22 g NaCl.

Vậy để pha 200 ml dung dịch thì lượng NaCl cần là:

0,22 × 200/ 100 = 0,44 g NaCl

Cloramphenicol là chất ít phân ly và có phân tử lượng khá lớn (M = 323) nên ở nồng độ nhỏ (<1%) hoạt chất có đương lượng NaCl không đáng kể, do đó có thể cho trực tiếp lượng choramphenicol vào dung dịch đã đẳng trương.

• Dung dịch kẽm sulfat 0,5%, chất đẳng trương hóa là acid boric

Kẽm sulfat 1% có ∆t = - 0,09 oC

Suy ra: ∆t của dung dịch kẽm sulfat 0,5% là: -0,09 × 0,5 = 0,045 = ∆t1

Do đó: x = (0,52-0,045)/0,29 = 1,638 g acid boric (trong 100ml)

Để pha 200 ml dung dịch thì lượng acid boric cần là:

1,638 × 200/ 100 = 3,276 g acid boric

5.  Lựa chọn chất bảo quản.

Dùng Nipagin M ( Metyl paraben hay parahydroxy benzoate de methyle) là hợp chất ester của acid p-hydroxy benzoic với methanol.

Dễ tổng hợp, không độc, là chất bảo quản thường dùng trong mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm. Tỉ lệ dùng :0,05%. Kháng khuẩn tốt hơn kháng nấm.

Bền với nhiệt. Ít tan trong nước lạnh (1/100-1/500), tan trong nước nóng (1/20), tan trong cồn (1/3,5), hoạt tính tối đa ở pH < 6 → thích hợp với tính chất lý hóa của hoạt chất chloramphenicol và kẽm sulfat.

Nipagin M có tác dụng mở rộng phổ kháng khuẩn kháng nấm và đảm bảo nồng độ hoạt chất trong quá trình bảo quản, khi chế phẩm bị nhiễm khuẩn thì nồng độ không bị giảm.

 Do Nipagin M khó tan trong nước nên ở đây ta dùng Nipagin M 20% trong cồn.

6.  Biện pháp tiệt khuẩn dung dịch thuốc nhỏ mắt.

6.1. Thuốc nhỏ mắt Chloramphenicol 0,4%.

Do không bền với nhiệt nên quá trình pha chế phải vô trùng, phòng pha chế vô trùng, dược chất, phụ liệu và dung môi được tiệt khuẩn trước khi đưa vào pha chế, kết hợp lọc vô khuẩn và đóng gói thuốc trong chu trình kín, tuyệt đối vô khuẩn…

Quá trình lọc tiến hành qua 3 giai đoạn: lọc thô bằng giấy lọc xếp nếp, lọc trong bằng màng lọc Milipore 0,45μm , lọc vô trùng với màng lọc Milipore ≤ 0,22 μm.

Mặt khác khi thêm chất bảo quản là Nipagin M tức là đã tiến hành tiệt trùng bằng hóa chất, bảo quản cho dạng thuốc được vô trùng.

6.2. Thuốc nhỏ mắt kẽm sulfat 0,5%.

Bền với nhiệt nên chỉ cần pha chế trong điều kiện vô trùng hợp lý, tiệt trùng bằng nhiệt cho bán thành phẩm sau khi đã đóng gói kín , hoặc lọc trong với màng lọc ≤ 0,45μm, đóng gói rồi tiệt trùng 121 oC trong 15-30 phút trong nồi hấp.

7.  Quy trình pha chế chi tiết.

7.1. Danh mục hóa chất.

- Chloramphenicol

- Kẽm sulfat dược dụng

- Na clorid

- Na borat

- Acid boric

- Dung dịch Nipagin M 20% trong cồn

- Nước cất ( pH 5,6-6,5)

- Cồn 96

7.2. Dụng cụ.

- Becher

- Pipet

- Ống đong

- Màng lọc Milipore 0,45; 0,22.

- Bông. Giấy lọc. Đũa khuấy. Phễu lọc.

- Chai nhựa có ống nhỏ giọt

7.3. Máy móc cần thiết.

- Cân

- Bếp điện

- Nồi hấp

7.4. Công thức, quy trình pha chế.

7.4.1. Thuốc nhỏ mắt cloramphencol 0,4%

• Công thức:

- Cloramphenicol                           0,8 g

- Acid boric                                   2,406 g

- Natri borat                                  0,114 g

- Natri clorid                                 0,44 g

- Dung dịch Nipagin M 20%        0,5 ml

- Nước cất             vđ                    200 ml

• Quy trình pha chế:

- Làm sạch và vô trùng dụng cụ bằng cồn 96

- Đun sôi khoảng 200ml nước cất pha tiêm.

- Hòa tan acid boric trong 150 nước nóng.

- Cho 0,5 ml dd Nipagin M 20% vào, khuấy đều..

- Cho tiếp NaCl và Na borat vào- Khuấy tan.

- Để dung dịch nguội đến dưới 80 oC, cho chloramphenicol vào-khuấy tan.

- Để nguội, chuyển qua ống đong, bổ sung nước vừa đủ 200ml.

- Lọc vô khuẩn. – Đóng chai có ống nhỏ giọt. Dán nhãn.

 

7.4.2. Thuốc nhỏ mắt kẽm sulfat 0,5%

• Công thức:

- Kẽm sulfat dược dụng                1 g

- Acid boric                                   3,276 g

- Dung dịch Nipagin M 20%        0,5 ml

- Nước cất             vđ                    200 ml

• Quy trình pha chế:

- Làm sạch và vô trùng dụng cụ bằng cồn 96.

- Đun sôi khoảng 200ml nước cất pha tiêm

- Hòa tan acid boric trong 150 nước nóng.

- Cho dung dịch Nipagin vào, khuấy đều.

- Để nguội, cho kẽm sulfat vào khuấy tan.

- Chuyển qua ống đong , bổ sung nước vừa đủ 200ml.

- Lọc. –Đóng chai có ống nhỏ giọt, tiệt trùng trong nồi hấp.Dán nhãn.

 

7.5. Quy cách đóng gói.

Đóng vào chai nhựa có ống nhỏ giọt. Lọ 10ml.

Dán nhãn theo nhãn thuốc tra mắt.

 8. Tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp đánh giá.

Chế phẩm phải đạt các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc nhỏ mắt”( phụ lục 1.12-DĐVN III) và các yêu cầu sau:

8.1. Độ trong và màu sắc.

Trong suốt, không màu.

8.2. pH.

Cloramphenicol: 7,0-7,5.

Kẽm sulfat: pH của dung dịch (2,5 g/ 50 ml H2O) 4,5-5,5.

8.3. Giới hạn các tiểu phân:(chỉ áp dụng cho hỗn dịch)

Thuốc nhỏ mắt là dung dịch nước nên không cần xét tiêu chuẩn này

8.4. Độ vô khuẩn:(phụ lục 10.8,DĐVN)

8.4.1. Tiến hành thử theo phương pháp màng lọc

Dụng cụ:đảm bảo vô khuẩn

Bộ lọc gồm:phễu lọc,giá đỡ màng lọc,bình hứng và các phụ kiện để ghép nối,hệ thống hút chân không.

Màng lọc:thường dùng loại có đường kính lỗ lọc khoảng 0.2-0,45 µm

Các ống nghiệm hoặc các bình đựng môi trường.

Kéo cắt màng lọc.

Lượng chế phẩm cần dùng cho 1 lần thử nghiệm:

5-10 ml của dung dịch đã hòa loãng đến 10 lần(tt/tt)bằng dung môi thích hợp(nước cất pha tiêm).

8.4.2. Kỹ thuật thử:

Dung dung môi vừa đủ để thấm ướt màng lọc. Rót lên màng lọc 1 lượng chế phẩm cần thử. Dùng máy hút chân không để rút ngắn thời gian lọc. Rửa màng lọc ít nhất 3 lần, mỗi lần 100ml dung môi thích hợp,vô khuẩn. Lấy màng lọc ra khỏi giá đỡ trong phễu lọc. Dùng kéo cắt màng lọc thành 2 phần,nhúng chìm mỗi phần vào 1 loại môi trường. Nế không có chỉ dẫn trong chuyên luận riêng,ủ môi trường thioglycolat ở 30-35 oC và ủ ở môi trường soybean-casein ở 20-25 oC ít nhất 7 ngày.

8.4.3. Theo dõi và đánh giá kết quả:

Nếu không thấy có vi khuẩn, nấm mốc mọc trong suốt thời gian quy định, chế phẩm được coi là đạt tiêu chuẩn vô khuẩn.

8.5. Định tính.

8.5.1. Thuốc nhỏ mắt cloramphenicol 0,4%:

Lấy 1 thể tích dung dịch chứa 50mg cloramphenicol, thêm 15ml nước cất. Chiết 4 lần, mỗi lần 25ml ete(TT). Gộp các dịch chiết rồi bốc hơi đến khô. Cắn thu được thử SKLM.

Cách tiến hành SKLM:

- Bản mỏng: silicagel GF254.

- Dung môi khai triển: Cloroform-MeOH-H2O(90:10:1).

- Dung dịch thử : 1% cắn nói trên trong EtOH(TT).

- Dung dịch đối chiếu: 1% cloramphenicol chuẩn trong EtOH(TT).

- Chấm sắc ký: chấm riêng biệt lên bản mỏng 2 dung dịch trên, mỗi dung dịch 1µl. Sau khi triển khai,lấy bản mỏng ra khỏi bình sắc ký, để khô ngoài không khí đế khi bay hơi hết dung môi, quan sát dưới đèn UV 254nm. Vết chính trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải co giá trị Rf tương ứng với vết của dung dịch đối chiếu.

8.5.2.  Thuốc nhỏ mắt kẽm sulfat 0,5%

Lấy chính xác 1 thể tích thuốc nhỏ mắt tương ứng với khoảng 25mg ZnSO4,thêm nước cất (không có CO2) vừa đủ 50 ml, dung dịch phải cho các phản ứng của các ion kẽm và sulfat (phụ lục 7.1-DĐVN III)

Định tính kẽm: dùng 5 ml dung dịch trên, trung tính bằng NaOH, thêm 0,2 ml NaOH 10M tạo thành tủa trắng, tủa này tan khi hòa tan thêm 0,2 ml NaOH 10M, thêm 10 ml dung dịch amoniclorua, dung dịch vẫn trong, thêm 0,1 ml dung dịch Natri sulfite 0,1N, tủa bong trắng được tạo thành.

Định tính sulfat: dùng 5 ml dung dịch trên, thêm 1ml dung dịch HCl 2M và 1 ml dung dịch BaCl2 5%, sẽ có tủa trắng được tạo thành.

8.6. Định lượng.

8.6.1.Thuốc nhỏ mắt cloramphenicol 0,4%:

Hòa loãng 1 thể tích chứa 25mg cloramphenicol trong nước cất để được 250ml. Lấy 10ml dung dịch này cho vào bình định mức 100ml,rồi thêm nước cho đủ. Lắc kỹ. Đo độ hấp thụ của dung dịch này ở bước sóng cực đại 278nm, cốc đo độ dày 1cm. Tính hàm lượng cloamphenicol theo A(1%, 1cm). Lấy 279 là giá trị A(1%, 1cm) ở cực đại hấp thụ 278nm.

8.6.2. Thuốc nhỏ mắt kẽm sulfat 0,5%:

Lấy chính xác 1 thể tích thuốc nhỏ mắt tương ứng với khoảng 25mg ZnSO4, thêm 50ml nước và 10ml dung dịch đệm NH3 pH 10. Chuẩn độ bằng dung dịch dinatri dihydro ethylendiamin tetraacetat 0,01M, dùng hỗn hợp đen ericrom T làm chỉ thị. Một ml dung dịch DDET 0,01M tương đương với 2,875mg ZnSO4.7H2O.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-          Giáo trình Bào chế và Sinh dược học, T.1, Bộ môn Bào chế, ĐH Y Dược TP.HCM.

-          Dược điển Việt Nam III.

-          Kĩ thuật bào chế các dạng thuốc, T.1, Đặng Hồng Vân.

-          Giản yếu Bào chế học.

-          Giáo trình Thực hành Dược khoa, Bộ môn Bào chế, ĐH Y Dược TP.HCM.

 

 




[/tintuc]