Corticoid bôi ngoài da giúp điều trị hiệu quả nhiều bệnh da liễu, tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách dễ để lại biến chứng nguy hiểm. Vậy dùng Corticoid bôi ngoài da làm sao để tận dụng ưu điểm của thuốc, đồng thời giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ nguy hiểm?
Thuốc Corticoid dạng bôi là gì?
Thuốc Corticoid dạng bôi là nhóm thuốc chống viêm được sử dụng để bôi ngoài da để kiểm soát, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc và các tình trạng về da khác. (1)
Thuốc Corticoid có khả năng kiểm soát tình trạng viêm tương tự như các hormone corticoid tự nhiên được sản xuất bởi tuyến thượng thận. Ngoài tác dụng giảm viêm (đỏ và sưng) ở vùng được bôi, corticoid tại chỗ còn ức chế phản ứng miễn dịch, chống tăng sinh tế bào và giúp co mạch máu.
Corticoid dạng bôi có thể được kê đơn cho các rối loạn tự miễn dịch ảnh hưởng đến da, phản ứng dị ứng và giúp giảm các triệu chứng như phát ban, tróc vảy, ngứa, đau, đỏ hoặc sưng. Thuốc bôi corticoid thường được sử dụng cho nhiều bệnh da khác nhau:Bệnh vảy nến: dạng bệnh rối loạn tự miễn gây nên những mảng hồng ban, bong vảy của da.
Bệnh chàm: hay viêm da dị ứng, là tình trạng da bị ngứa và viêm kèm theo hồng ban có vảy, thường gặp ở trẻ em.
Viêm da tiết bã: tình trạng các mảng đỏ trên da kèm theo bã nhờn màu vàng, thường xảy ra trên khu vực da đầu.
Viêm da tiếp xúc: da hồng ban đỏ do tiếp xúc với chất gây kích ứng da gây ra phản ứng dị ứng.
Corticoid dạng bôi giúp co mạch máu ở phần trên của lớp hạ bì, làm giảm sưng và ngứa, thúc đẩy quá trình hồi phục da.
Các dạng thuốc bôi Corticoid
Thông thường thuốc bôi corticoid sẽ được bôi một lớp mỏng và mát xa da một hoặc nhiều lần trong ngày. Thuốc có nhiều dạng khác nhau, bao gồm:Kem: sản phẩm phổ biến nhất từ sự kết hợp nước và dầu, chứa chất bảo quản, được sử dụng cho những vùng có lông và ẩm ướt vì thuốc dễ dàng thoa lên mà không gây cảm giác nhờn rít.
Thuốc mỡ: được làm từ dầu, ít hoặc không có nước, thường không chứa chất bảo quản. Đây là sản phẩm rất tốt cho da khô, có vảy hoặc những vùng có da dày như lòng bàn chân và lòng bàn tay.
Gel được làm bằng nước và propylene glycol, một loại cồn tổng hợp. Về kết cấu, chúng tương tự kem và khá dễ sử dụng.
Các dung dịch, bọt và sữa dưỡng thường chứa dầu, nước và hóa chất và thường được sử dụng trên da đầu.
Hình ảnh kem bôi ngoài da Corticoid. |
Thuốc bôi Corticoid thường được phân thành 4 loại theo tác dụng của thuốc trên da, bao gồm: nhẹ, vừa, mạnh và cực mạnh. Mỗi loại có nhiều nhãn hiệu và loại khác nhau. Độ mạnh của corticoid tại chỗ càng lớn thì tác dụng giảm viêm càng cao nhưng nguy cơ tác dụng phụ cũng tăng dần khi tiếp tục sử dụng.
Công hiệu Phân loại Sản phẩm
Công hiệu | Phân loại | Sản phẩm |
Rất mạnh | Loại I | + Thuốc mỡ Temovate (clobetasol propionate) 0,05%. + Ultravate (halobetasol propionate) 0,05% dạng kem, thuốc mỡ hoặc kem dưỡng da. + Psorcon (diflorasone diacetate) dạng thuốc mỡ 0,05%. + Diprolene (betamethasone dipropionate) dạng thuốc mỡ hoặc gel 0,05%. |
Mạnh | Loại II | + Lidex (fluocinonide) 0,05% dạng kem, gel, thuốc mỡ hoặc dung dịch. + Halog (halcinonide) 0,1% dạng kem, thuốc mỡ hoặc dung dịch. + Thuốc mỡ Cyclocort (amcinonide) 0,1%. + Topicort (desoximetasone) 0,25% dạng kem hoặc thuốc mỡ. |
Trung bình Mạnh | Loại III | + Thuốc mỡ Elocon (mometasone furoate) 0,1%. + Cutivate (fluticasone propionate) thuốc mỡ 0,005%. + Kem Betanate (betamethasone dipropionate) 0,05%. + Kenalog (triamcinolone acetonide) 0,5% kem hoặc thuốc mỡ. |
Trung bình | Loại IV | + Synalar (fluocinolone acetonide) 0,025% kem hoặc thuốc mỡ. + Cordran (flurandrenolide) 0,05% kem, thuốc mỡ hoặc kem dưỡng da. + Triderm (triamcinolone acetonide) 0,1% kem, thuốc mỡ hoặc kem dưỡng da. + Elocon (mometasone furoate) 0,1% kem, sữa dưỡng hoặc dung dịch. + Kem cutivate (fluticasone propionate) 0,05%. |
Trung bình | Loại V | + Westcort (hydrocortisone valerate) dạng kem hoặc thuốc mỡ 0,2%. + Thuốc mỡ Locoid (hydrocortisone butyrate) 0,1%. + Dermatop (prednicarbate) 0,1% dạng kem hoặc thuốc mỡ. + Kem Pandel (hydrocortisone probutate) 0,1%. |
Nhẹ | Loại VI | + Desonate (desonide) 0,05% gel. + Synalar (fluocinolone acetonide) 0,025% dạng kem, dung dịch hoặc dầu gội. + Locoid (hydrocortisone butyrate) 0,1% kem, sữa dưỡng hoặc dung dịch. |
Rất nhẹ | Loại VII | + Hytone (hydrocortisone) kem và sữa dưỡng 2,5%. + Hydrocortisone 1% (nhiều nhãn hiệu kem, thuốc mỡ và sữa dưỡng không kê đơn). + Kem Anusol-HC (hydrocortisone acetate) 0,5% và 1%. |
Thuốc bôi ngoài da có chứa Corticoid điều trị bệnh nào?
Thuốc corticoid dạng bôi có hiệu lực thấp đến trung bình có thể được sử dụng để điều trị các bệnh về da khác nhau, đáp ứng với corticosteroid như:
- Viêm da dị ứng (nhẹ đến trung bình).
- Viêm da tiếp xúc.
- Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa ở mặt và các nếp da (vùng kẽ).
- Da khô.
- Côn trùng cắn.
- Bệnh hăm tã.
- Ngứa một vùng da nhỏ.
- Ngứa hậu môn.
- Lichen phẳng ở mặt và các vùng kẽ.
- Chàm đồng tiền.
- Phát ban đa dạng do ánh sáng (polymorphous light eruption).
- Vảy nến ở mặt và vùng kẽ
- Viêm da tiết bã ở mặt và vùng kẽ.
Corticoid loại mạnh có thể được sử dụng để điều trị:
- Rụng tóc từng mảng.
- Viêm da dị ứng nặng.
- Lupus ban đỏ dạng đĩa.
- Lichen phẳng.
- U hạt vòng.
- Vảy nến mảng và vảy nến lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay hoặc đầu gối.
- Bệnh chàm tay nặng.
Khi nào không nên bôi thuốc bôi Corticoid ngoài da?
Chống chỉ định thuốc bôi corticoid ngoài da với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn vì tác dụng chống viêm và co mạch của chúng sẽ che giấu tình trạng nhiễm trùng, cuối cùng sẽ cản trở hoặc trì hoãn việc chẩn đoán và điều trị. Corticoid bôi tại chỗ cũng nên tránh dùng trong bệnh chốc lở, chốc loét, dị ứng với các thành phần của thuốc. Ngoài ra, thuốc chống chỉ định tương đối với bệnh nấm candida và dermatophyte.
Hướng dẫn sử dụng thuốc bôi Corticoid điều trị bệnh ngoài da
Corticoid bôi ngoài da thường được sử dụng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày (thường vào ban đêm) trên vùng da bị viêm trong thời gian từ 3 ngày đến vài tuần. Sau đó, người bệnh sẽ dừng bôi thuốc hoặc giảm cường độ và tần suất sử dụng thuốc tùy theo tình trạng bệnh, mức độ bệnh, độ tuổi, cũng như vùng da bị bệnh.
- Chỉ nên sử dụng thuốc trên cho vùng da bị bệnh.
- Nhẹ nhàng thoa một lớp mỏng thuốc lên da.
- Rửa tay trước và sau khi bôi thuốc, trừ khi đang điều trị một vùng trên tay.
Liều lượng cho mỗi lần bôi thuốc thường tính theo đốt ngón tay. Một đơn vị bằng với lượng thuốc bôi nặn ra từ tuýp thuốc có độ dài bằng đốt ngón tay trỏ của người bệnh:
- Nam giới trưởng thành: một đơn vị bằng 0,5 g.
- Phụ nữ trưởng thành: một đơn vị đầu bằng 0,4 g.
- Trẻ em từ 4 tuổi: một đơn vị bằng 1/3 so với người lớn.
- Trẻ sơ sinh từ 6 – 12 tháng tuổi: một đơn vị bằng 1/4 so với người lớn.
Liều lượng cho mỗi lần bôi thuốc thường tính theo đốt ngón tay. |
Lượng kem trên đầu ngón tay thay đổi tùy theo giới tính, độ tuổi và bộ phận cơ thể:
- Một bàn tay: 1 đơn vị.
- Một cánh tay: 3 đơn vị.
- Một bàn chân: 2 đơn vị.
- Một cẳng chân: 6 đơn vị.
- Mặt và cổ: thoa 2,5 đơn vị.
- Thân (trước & sau): 14 đơn vị.
- Toàn thân: 40 đơn vị.
Có thể thoa kem dưỡng ẩm trước hoặc sau dùng thuốc chứa corticoid để làm giảm kích ứng hoặc khô da, tạo hàng rào giúp bảo vệ da.
Tác dụng phụ của thuốc Corticoid dạng bôi
Tác dụng phụ của thuốc corticoid dạng bôi xuất hiện khi hiệu lực của thuốc không phù hợp với vùng da bị bệnh hoặc sử dụng thuốc trong thời gian dài.Hội chứng Cushing: hiếm xảy ra khi dùng thuốc corticoid dạng bôi và chỉ xảy ra khi dùng loại có hoạt lực mạnh trong thời gian dài (trên 500g hydrocortisone hoặc 50g clobetasol propionate mỗi tuần).
Tác dụng phụ ngoài da: xảy ra khi bôi thuốc trong thời gian dài. Dùng loại corticoid dạng bôi loại mạnh không cần thiết trong thời gian dài hàng tháng có thể gây ra:
- Rạn da (nách, háng, bẹn).
- Mỏng da, teo da.
- Giãn mạch.
- Xuất huyết dưới da.
- Lông mọc dài, dẫn đến tình trạng rậm lông.
- Làm bùng phát tình trạng nhiễm trùng da: herpes, nấm da, chốc lở, u mềm lây, viêm nang lông do Malassezia.
- Trứng cá đỏ.
- Viêm da quanh miệng.
- Vảy nến mủ.
- Sau khi ngừng sử dụng thuốc, người bệnh dễ bị ngứa, châm chích da,… ở vùng da bị viêm hoặc bị tổn thương.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng với các thành phần của thuốc như corticoid, tá dược, chất bảo quản, thường xảy ra khi sử dụng lần đầu hoặc sau nhiều năm.
Phụ nữ mang thai: thai phụ có thể dùng thuốc corticoid dạng bôi loại nhẹ hoặc trung bình. Cần thận trọng khi sử dụng loại mạnh trên diện rộng vì thuốc sẽ dễ hấp thu vào cơ thể, tăng rủi ro thai nhi nhẹ cân.
Những điều nên làm hoặc cần tránh khi bôi Corticoid
Dưới đây là các lưu ý khi sử dụng khi bôi Corticoid:
- Sử dụng corticoid có hiệu lực vừa đủ để kiểm soát tình trạng viêm.
- Chỉ bôi corticoid vào vùng da bị ảnh hưởng bởi bệnh ngoài da.
- Hiệu quả nhất là bôi corticoid ngay sau khi tắm.
- Chỉ sử dụng corticoid thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ – sử dụng hơn 2 lần mỗi ngày, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ nhưng không làm tăng hiệu lực của corticoid. Với nhiều loại corticoid bôi tại chỗ, bôi một lần mỗi ngày là đủ.
- Không sử dụng corticoid tại chỗ như một loại kem dưỡng ẩm.
- Nên tránh sử dụng corticoid trong thời gian dài.
- Cần lưu ý một số vùng da mỏng nhất định sẽ hấp thụ nhiều corticroid hơn các vùng khác.
- Đắp băng lên vùng da được điều trị bằng corticoid sẽ làm tăng hiệu lực và sự hấp thu của corticoid vào da. Chỉ sử dụng băng có chứa corticoid tại chỗ nếu được bác sĩ chỉ định.
- Khi tình trạng viêm được kiểm soát, hãy giảm hoặc ngừng sử dụng corticoid. Hãy nhớ rằng: tắm và dưỡng ẩm đúng cách sẽ giúp ngăn bệnh bùng phát.
Thuốc Corticoid bôi giúp điều trị hiệu quả các bệnh viêm nhiễm da liễu, tuy nhiên nếu dùng không đúng liều lượng thuốc sẽ dễ để lại tác dụng phụ cũng như biến chứng nguy hiểm cho da, gây mất thẩm mỹ da. Vì vậy, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc Corticoid bôi khi có chỉ định từ bác sĩ.
Chia sẻ từ https://tamanhhospital.vn/corticoid-boi/
[/tintuc]
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét